Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thông thường ở mỗi doanh nghiệp sẽ có bộ phận kế toán chịu trách nhiệm xử lý các công việc tính thuế và quyết toán thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này vì có rất nhiều quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên cơ sở được quy định. Vậy pháp luật quy định như thế nào về cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp? Xin mời quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết: Bàn về cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp (Cập nhật 2022).
Bàn về cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp (Cập nhật 2022)
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. Khái niệm cơ sở tính thuế
Cơ sở tính thuế là tổng số tài sản hoặc thu nhập có thể bị đánh thuế bởi cơ quan thuế, thường là bởi chính phủ. Nó được sử dụng để tính các khoản nợ thuế, có thể biểu hiện ở các hình thức khác nhau bao gồm thu nhập hoặc tài sản.
Thông thường mức thuế phải nộp của mỗi khoản nợ thuế được tính theo công thức sau:
mức thuế phải nộp = cơ sở tính thuế X thuế suất
3. Cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp (Cập nhật 2022)
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung) và khoản 1 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung) thì thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo công thức:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN
Nếu có phần trích lập quỹ KH&CN thì công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN
Như vậy, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập tính thuế.
4. Quy định về thu nhập tính thuế
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung) và Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung) thì thu nhập tính thuế được xác định như sau:
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | Thu nhập được miễn thuế | + | Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
4.1. Thu nhập chịu thuế
Căn cứ Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung) thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Trong đó:
Doanh thu: toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Chi phí được trừ là các khoản chi của doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thứ nhất, khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thứ hai, khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Thứ ba, khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
- Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Các khoản thu nhập khác bao gồm:
- thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
- thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;
- thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
- thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá;
- thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ;
- khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;
- khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
- khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót;
- các khoản thu nhập khác.
4.2. Thu nhập miễn thuế
Thu nhập miễn thuế bao gồm các khoản thu nhập được quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bô sung).
Xem thêm Các trường hợp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
4.3. Các khoản lỗ được kết chuyển
Các khoản lỗ được kết chuyển được quy định tại Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung) như sau:
Doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
Doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư sau khi đã thực hiện bù trừ theo quy định nếu còn lỗ và doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản được chuyển lỗ sang năm sau vào thu nhập tính thuế của hoạt động đó. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
Qua bài viết trên, ACC đã gửi đến cho bạn đọc nội dung Bàn về cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp (Cập nhật 2022). Như vậy, việc tính thuế thu nhập doanh phải dựa trên các cơ sở theo quy định của pháp luật. Nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào khác về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác về thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng, các vấn đề trong lĩnh vực thuế nói chung, bạn đọc có thể liên hệ ngay đến công ty Luật ACC để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng.